Cũng giống như những người yêu thích thể dục thích thử nghiệm các chế độ tập, và chế độ ăn kiêng khác nhau. Thì khi lập kế hoạch tài chính cho bản thân và gia đình; bạn cũng cần phải xem xét và thử nghiệm để biết cách nào là phù hợp nhất.
Bạn có thể nghe đến nhiều cách phân bổ ngân sách phổ biến hiện nay. Nhưng suy cho cùng mỗi người sẽ có cách sử dụng tiền và tình hình tài chính khác nhau. Trước hết câu hỏi đặt ra là:
Ngân Sách tài chính là gì?
Trong cuốn sách BẮT ĐẦU tôi có định nghĩa ngân sách là dùng để ước tính các khoản chi phí và thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định. Thường là hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm.
Bằng việc thực hành thiết lập ngân sách, chúng ta nắm được kế hoạch chi tiêu; tiết kiệm và đầu tư để đạt được các mục tiêu tài chính ngắn hay dài hạn. Từ đó, hiểu rõ được chi phí của bản thân và gia đình. Đồng thời theo dõi hiệu suất làm việc của đồng tiền theo thời gian.
Quản lí ngân sách giúp bạn kiểm soát và theo dõi chi tiêu nên việc tiết kiệm nhiều tiền trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, một kế hoạch quản lý tài chính hiệu quả có thể giúp bạn đưa ra các quyết định tài chính tốt hơn; chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp; trả dần hết nợ và tiết kiệm cho gia đình và con cái, đầu tư hoặc vui chơi giải trí.
Đây là một biểu mẫu khá chi tiết cho việc lập ngân sách mà bạn có thể tham khảo từ clever girl finance. Nó giúp bạn liệt kê ra các khoản thu nhập, chi phí, nợ,…để có cái nhìn tổng thể về tình hình tài chính của bản thân. Đó là dòng tiền của bạn hiện đang có sức khỏe tài chính tốt hay không. Các mục nào cần tập trung để giải quyết và có kế hoạch hành động hợp lí trong thời gian sắp tới.
Từ đó phân bổ ngân sách sẽ giúp dòng tiền ra vào của bạn có chủ đích hơn. Chúng ta sẽ thực hiện được nhiều mục tiêu tài chính lành mạnh hơn. Hãy cùng nhau lược sơ qua các cách lập ngân sách cá nhân dưới đây nhé!
1. Quy tắc 50/30/20
Quy tắc 50/30/20 dựa trên tỷ lệ phần trăm là quy tắc phổ biến từ rất lâu.
Với phương pháp này, 50% thu nhập của bạn dành cho các chi phí bắt buộc phải trả hàng tháng. Như tiền nhà, bảo hiểm sức khỏe và xe cộ, mua đồ ăn; và khoản thanh toán các khoản vay tối thiểu….
30% dành cho nhu cầu mong muốn như đi du lịch, ăn nhà hàng, giải trí…
20% cuối cùng dành cho tiết kiệm quỹ dự phòng, đầu tư vào quỹ hưu trí, trả các khoản nợ khác như nợ thẻ tín dụng,…
Bạn có thể sử dụng phép tính của quy tắc này tại trang web của Nerdwallet. Từ phép tính này, bằng cách nhập số tiền thu nhập hàng tháng của bạn vào. Công thức sẽ dự trên tỷ lệ 50-30-20 để chia ra các khoản tiền trong ngân sách tài chính của bạn.
Nếu bạn có thu nhập hàng tháng cố định là 10 triệu đồng. Thì 5 triệu sẽ sử dụng để chi trả cho các chi phí bắt buộc; 30% là 3 triệu đồng là tiền để gia đình giải trí và vui chơi; 2 triệu cuối cùng để dành, đầu tư một ít và trả nợ.
Một lỗ hổng cho quy tắc là loại ngân sách này giả định rằng bạn chỉ quan tâm đến việc chi trả chi phí cuộc sống. Tất nhiên là chúng ta ai cũng có nhu cầu vui chơi và tận hưởng nhưng 30% số tiền mỗi tháng cho việc giải trí với mình không hợp lý cho lắm đối với những bạn mới bắt đầu. 20% là quá ít để trả nợ, tiết kiệm cho quỹ dự phòng và đầu tư.
Budgeting is not just for people who do not have enough money. It is for everyone who wants to ensure that their money is enough. – Rosette Mugidde Wamambe
Lập ngân sách không chỉ dành cho những người không có đủ tiền. Nó dành cho tất cả những ai muốn đảm bảo rằng tiền của họ là đủ.
2. Giải pháp 60%
Giải pháp 60% là một hệ thống lập ngân sách do cựu tổng biên tập của MSN Money, Richard Jenkins tạo ra. Từ gợi ý của Jenkins về việc chi tiêu 60% tổng thu nhập của một hộ gia đình (trước thuế) cho các khoản chi phí cố định.
Với phương pháp này, bạn đang kết hợp tất cả mong muốn và nhu cầu của mình vào 60% ngân sách của mình. Những nhu cầu cơ bản về thực phẩm và quần áo, các chi phí thiết yếu của hộ gia đình, phí bảo hiểm, dịch vụ truyền hình, Internet, và các loại thuế cần phải trả.
Tiết kiệm 40% còn lại. Chia thành các loại tiết kiệm cụ thể như:
- 10% dành cho đầu tư vào tài khoản hưu trí 401K hay Roth IRA nếu bạn ở Mỹ
- 10% dành cho tiết kiệm dài hạn, Richard sử dụng quỹ này để đầu tư vào chứng khoán. Và ông cũng xem đây cũng là quỹ khẩn cấp của mình.
- 10% dành cho tiết kiệm ngắn hạn; dự kiến sẽ dùng để chi trả cho các kỳ nghỉ; sửa chữa; mua sắm đồ dùng mới; kỳ nghỉ; quà tặng và các khoản chi không thường xuyên khác nhưng ít nhiều có thể dự đoán được.
- 10% cuối cùng dành cho giải trí, chi tiêu cho bất kỳ thứ gì họ thích trong tháng. Như là tự kinh doanh; từ thiện; đăng kí học thêm. Miễn là tổng số tiền không vượt quá 10% thu nhập.
3. Lập kế hoạch tài chính dựa trên số 0
Dave Ramsey khuyên bạn nên biết từng đồng tiền sẽ đi về đâu trước khi được nhận tiền lương. Ngân sách dựa trên số 0 không có nghĩa là bạn có không còn đồng nào trong tài khoản ngân hàng của mình.
Nó có nghĩa là bạn đang đặt cho từng đô la một cái tên và một công việc phải làm. Đó là kế hoạch trò chơi tài chính cho hàng tháng. Và khi bạn tuân thủ nó, bạn sẽ đạt được mục tiêu tài chính rất nhanh chóng.
Cụ thể là tất cả số tiền đi ra phải bằng với số tiền vào. Nếu bạn kiếm được 10 triệu một tháng, bạn sẽ phân bổ hết từng công việc cho 10 triệu đồng đó. Như thanh toán hóa đơn, tiết kiệm tiền, trả nợ và tận hưởng cuộc sống.
Cho dù bạn có thêm mọi nguồn thu nhập, thì cũng phải phân bổ vào chi phí hay tiết kiệm sao cho ngân sách của bạn sẽ trở về con số 0.
Từ ví dụ của Dave, ông đã chia nhỏ phần trăm của từng đồng tiền cụ thể từ trái sang phải là:
- 25% trả tiền nợ nhà;
- 10% tiền xe cộ (nếu bạn mua xe trả góp); 10% cho đi hay từ thiện; 10% tiền tiết kiệm; 10% ăn uống; 10% tiền bảo hiểm;
- 5% tiền bảo hiểm sức khỏe, hoặc thuốc men; 5% giải trí; 5% cho cá nhân; 5% những khoản lặt vặt; và cuối cùng là 5% cho tiền điện nước.
A budget is telling your money where to go instead of wondering where it went – Dave Ramsey
Ngân sách cho biết tiền của bạn sẽ đi đâu thay vì tự hỏi nó đã đi đâu.
4. Quản lý tiền hiệu quả bằng 6 lọ của T.Harv Eker
Trong cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú, tác giả T. Harv Eker có gợi ý về cách phân bổ số tiền hợp lí. Đây cũng là cách mà trong cuốn sách BẮT ĐẦU, tôi có đề cập tới một cách chi tiết hơn. Dưới đây, bạn đọc cũng có thể tham khảo tóm lược như sau
- 55% dành cho những chi phí cố định và chi phí linh hoạt như tiền nhà, đồ ăn, điện nước và các khoản phải trả
- 10% như khoản dự phòng cần thiết, du lịch, chi phí y tế đột xuất;
- 10% hưởng thụ cho bản thân và gia đình bằng những hoạt động giải trí;
- 10% hướng dẫn và giảng dạy cho học viên của mình, mua sách, và đăng ký các khóa học nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng;
- 10% đầu tư vào chứng khoán, các quỹ tiền an toàn, các công cụ giúp tạo nguồn thu nhập thụ động, nhà cửa và những khoản đầu tư khác;
- Và cuối cùng là 5% để làm từ thiện.
Vậy cách nào là tốt nhất cho bạn?
Thật ra, không có cách nào là tốt nhất cho bạn cả. Bạn chỉ chọn cách phù hợp với bản thân nhất mà thôi. Tôi cũng chỉ dựa vào những phần trăm trên như là một sự tham khảo. Tôi ưu tiên nhiều hơn 30-50% số tiền lương để đầu tư và tiết kiệm. Vì chi phí cần thiết đối với một cuộc sống tối giản bạn sẽ không cần quá 50% số tiền bạn kiếm được.
Nếu bạn đang có khá nhiều nợ và chi phí cần thiết, có thể bạn sẽ ưu tiên cho việc trả nợ và chi tiêu hơn là đầu tư và từ thiện lúc này. Nhưng lập ngân sách sẽ đem lại cho bạn một kế hoạch chi tiêu phù hợp trong khả năng của mình. Nó cũng đảm bảo rằng bạn sẽ luôn có đủ tiền cho những thứ bạn cần, và những thứ quan trọng trong tương lai.
Từ đó, bạn sẽ có thể dự đoán được số tiền cần tiết kiệm cho những việc quan trọng. Như kỳ nghỉ, một chiếc xe mới, ngôi nhà đầu tiên của bạn hoặc sửa sang nhà, một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp, bổ sung thêm vào tài khoản hưu trí và đầu tư của bạn.
The poor and the middle-class work for money. The rich have money work for them – Robert Kiyosaki
Người nghèo và tầng lớp trung lưu làm việc vì tiền. Người giàu có để tiền làm việc cho họ.
[…] Lập Ngân Sách: Từ đó, bạn sẽ bắt đầu lập ngân sách chi tiêu dựa trên các ưu tiên hiện tại của bạn. Khi bạn khám phá ra điều gì là quan trọng nhất đối với mình, bạn sẽ dễ dàng quyết định thời điểm và cách thức tiêu tiền của mình. […]