Vậy là chúng ta đang ở tháng cuối cùng của năm 2022. Đây là khoảng thời gian mà chính bản thân tôi và các bạn có cơ hội để nhìn lại danh mục tài chính của mình. Các bạn đã đạt được mục tiêu về tài chính chưa? Đã có thể tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn? Hôm nay, hãy cùng tôi nhìn lại các khoản đầu tư sau 1 năm vừa qua.
Nếu ai đã từng đọc qua nhiều bài viết hay cuốn sách của tôi về thị trường chứng khoán. Chắc hẳn cũng biết rằng, tôi bắt đầu tham gia vài thị trường chứng khoán chỉ 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, đây cũng chính là 2 năm chưa hề xảy ra trong lịch sử. Bởi vì thị trường chứng khoán đã trải qua một đợt rớt mạnh (tháng 3/2020) khi đại dịch Covid bùng nổ. Và tăng cũng rất mạnh ngay sau đó đến cuối năm 2021. Vì thế bất cứ ai đầu tư vào chứng khoán đều không thể nào tránh khỏi sự biến động trong suốt thời gian qua.
- Chỉ số Comp (NASDAQ composite): bao gồm hầu hết các cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nasdaq.
- Chỉ số NDX: là một chỉ số thị trường chứng khoán được tạo ra bởi 107 chứng khoán vốn phát hành bởi 100 công ty phi tài chính lớn nhất niêm yết trên NASDAQ.
- Chỉ số RUT (Russell 2000): là một tập hợp con của Chỉ số Russell 3000®. Có vốn hóa nhỏ tạo nên từ 2.000 cổ phiếu các công ty nhỏ nhất. Chỉ số này được duy trì bởi công ty FTSE Russell.
- Chỉ số SPX: Standard and Poor’s 500, hay đơn giản là S&P 500. Là một chỉ số thị trường chứng khoán theo dõi hiệu suất cổ phiếu của 500 công ty lớn được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Hoa Kỳ. Đây là một trong những chỉ số vốn chủ sở hữu được theo dõi phổ biến nhất.
- Chỉ số NYA (NYSE Composite): là một chỉ số thị trường chứng khoán bao gồm tất cả các cổ phiếu phổ thông được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York. Bao gồm biên lai lưu ký của Mỹ, ủy thác đầu tư bất động sản, cổ phiếu theo dõi và niêm yết nước ngoài.
Mục đích ban đầu
Tôi tham gia vào thị trường chứng khoán năm 2019, khi mới có công việc đầu tiên tại Mỹ. Mục đích cơ bản là chơi ít mà ăn nhiều. Tôi dành khá nhiều thời gian cũng như tiền bạc chỉ để chạy theo những con số nhảy liên tục trên sàn chứng khoán. Không quan tâm nhiều về đó là công ty gì, tình hình tài chính ra sao. Và tại sao lại đầu tư vào đó?. Chỉ cần biết là sau khi mua bán sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Thế là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn càng trở nên hấp dẫn.
Còn gì tốt hơn là mua một vài cổ phiếu nóng hổi. Đợi một hoặc hai giờ và sau đó kiếm được hơn hàng triệu đồng?
Nghe có vẻ rất đơn giản và dễ dàng thắng lớn. Nhưng một thời gian không lâu sau, từ một người có hàng ngàn đô la trong tài khoản trở về lại vạch số 0. Tôi thua nhiều hơn là thắng. Thế là tôi nhận ra là mình chẳng biết gì về thị trường chứng khoán. Tôi cần học về tài chính, đầu tư và chứng khoán.
Sau khi đọc khá nhiều sách về đầu tư và tài chính. Thì đây cũng là lúc tôi viết ra cuốn sách đầu tay. Và đặt ra mục tiêu về độc lập và tự do tài chính. Để đi được con đường này nhanh và an toàn. Tôi cần học về đầu tư và thật sự nghiêm túc trong dài hạn. Và đầu tư về chứng khoán là con đường tôi đã chọn. Đây cũng chính là một trong những cách mà bất cứ người thành công nào cũng đều đang sở hữu tại Mỹ.
Đầu tư chứng khoán dài hạn
Nếu bạn có thời gian thì hãy dành ra ít phút để đọc các bài viết về “Trở Thành Nhà Đầu Tư Chứng Khoán Thực Thụ“. Bài viết này gồm 3 phần dành cho những người có phong cách đầu tư khác nhau. Tôi đã và đang thực hành cả 3 cách trên để đầu tư dài hạn. Đó là đầu tư vào công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư, và gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng.
Ngoài ra, tôi cũng có chia sẻ về những tài khoản đầu tư của chính mình. Trong bài viết “70% Tiền Lương Hàng Tháng Đi Vào Đâu?“. Hiện tại bản thân đang sở hữu 4 tài khoản đầu tư chứng khoán dài hạn. Bao gồm 2 tài khoản đầu tư hưu trí trước thuế (401K) và sau thuế (Roth IRA). Hai tài khoản đầu tư cá nhân. Nếu ở Việt Nam, có thể bạn sẽ không có những loại tài khoản tương tự. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì cách mà bạn đầu tư sẽ quyết định phần lớn hơn cả.
Đa dạng hóa (diversification)
Nếu để ý các bạn sẽ thấy rằng tôi có rất nhiều quỹ ETF của Vanguard. Trong bài viết “Trở Thành Nhà Đầu Tư Chứng Khoán Thực Thụ – Phần 3”. Tôi đã chia sẻ lý do tại sao và lợi ích trong đầu tư quỹ. Nổi bật là Quỹ ETFs – Exchange-Traded Fund. Đồng thời vì sao quỹ ETF rất phù hợp với một nhà đầu tư thụ động.
Nguyên tắc đa dạng hóa khá là cổ điển và phổ biến từ rất lâu. Ngày nay, thật dễ dàng để chúng ta có thể nắm giữ hàng trăm hoặc hàng nghìn chứng khoán chỉ thông qua 1 quỹ ETF theo dõi các chỉ số rộng hơn. Cụ thể, là quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500 là công cụ định lượng chính xác nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ. Nó đo lường vốn hóa thị trường được điều chỉnh của 500 tập đoàn lớn nhất của quốc gia.
Trong thực tế, trước khi chọn tập trung đầu tư vào công ty Vanguard. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều sách báo và lời khuyên từ những người đi trước. Đồng thời mua thử khá nhiều quỹ của các công ty đứng đầu và lớn tại Mỹ. Điển hình là iShares, SPDR, Invesco, và Charles Schwab. Đọc khá nhiều bản báo cáo tài chính của các quỹ này cũng như so sánh chi phí quản lý quỹ. Tôi nhận ra rằng mặc dù các quỹ này nắm giữ cổ phiếu công khá giống nhau. Nhưng tỷ lệ cho các cổ phiếu và chiến lược lại khác nhau.
Trải nghiệm một thời gian cho từng quỹ. Về độ tăng trưởng (Growth), tỷ lệ vốn hóa lớn (Large Cap), vừa (Mid Cap). Nhỏ (Small Cap), rồi cả trái phiếu (Bond). Tôi có thể thấy được sự chênh lệnh về tỷ lệ tăng trưởng và giảm mạnh hơn của các công ty khác. Mặc dù đang trong điều kiện kinh tế và thời điểm giống nhau.
Tôi quyết định bán hết ra các quỹ tăng trưởng nhanh. Đồng thời giảm cũng rất mạnh trong các tài khoản đầu tư cá nhân. Điển hình là tài khoản cá nhân (Robinhood) của mình. Tôi đã đầu tư rất nhiều tiền cho quỹ ARK (là quỹ ETF được quản lý chủ động). Tập trung chủ yếu các công ty sự đổi mới đột phá. May mắn là chỉ bị lỗ 15% vì hiện giờ quỹ đang giảm 63%. Bán đi các cổ phiếu mà tôi tham gia ngắn hạn và tiền điện tử (đã giảm 65%). Đây là một bài học quý giá cho bản thân.
Vì vậy mới thấm thía triết lý và hướng dẫn đầu tư của Warren Buffett. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông đó là. “Quy tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Quy tắc số 2: Không bao giờ quên quy tắc số 1“.
Từ đó tài khoản cá nhân số 2 và Roth IRA của tôi đã ứng dụng chiến lược tốt hơn. May mắn là thời điểm thị trường đang tụt dốc tôi đã dùng số tiền đó để mua nhiều cổ phiếu của 2 công ty. Với giá khá rẻ nên đã hoàn lại được vốn cũng như nhận được cổ tức khá cao.
Chiến lược trung bình hóa chi phí đầu tư (Dollar-Cost Averaging)
Tôi biết đến chiến lược giá trung bình sau khi đọc cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh” của Benjamin Graham. Tại đây, ông đã giải thích cũng như đưa ra dẫn chứng về việc đầu tư không cần vốn nhiều nhưng thường xuyên. Sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro đáng kể. Tôi gọi đây là chiến lược đầu tư dài hạn.
Ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Hay những người cố gắng xác định thời điểm thích hợp nhất trên thị trường để đầu tư cũng có thể thất bại. Đơn giản bởi vì chúng ta hầu như không thể dự đoán chính xác khi nào thì đỉnh hoặc đáy của thị trường. Thì trung bình hóa chi phí là một chiến lược có thể giúp dễ dàng đối phó với các thị trường không chắc chắn và thay đổi liên tục. Bằng cách mua cổ phiếu một cách tự động và thường xuyên của nhà đầu tư.
Trung bình hóa chi phí đầu tư liên quan đến việc đầu tư cùng một số tiền vào một chứng khoán mục tiêu. Theo các khoảng thời gian đều đặn trong một khoảng thời gian nhất định, bất kể giá cả cao hay thấp. Bằng cách này, các nhà đầu tư có thể giảm chi phí trung bình trên mỗi cổ phiếu và giảm tác động của sự biến động đối với danh mục đầu tư của họ.
Trên thực tế, chiến lược này loại bỏ ý định đầu tư ngắn hạn. Và không cần quá cố gắng để xác định thời điểm thị trường mua ở mức giá tốt nhất. Đối với tôi, thời điểm mà thị trường đi xuống (Bear market) lại chính là khoảng thời gian mà chứng khoán đang SALE OFF – giảm giá. Nên các bạn sẽ mua được giá rẻ hơn là khi thị trường đi lên (Bull market).
Tôi áp dụng cách này cho hai tài khoản 401K và Roth IRA. Mỗi tháng tiền lương sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản đầu tư theo tỷ lệ phần trăm nhất định. Sau đó, chọn mua cổ phiếu hay quỹ mà mình mong muốn. Tuy nhiên đối với quỹ 401K được quản lý bởi công ty tài chính John Hancock. Không quá nhiều sự lựa chọn về quỹ, nên tôi cũng chưa hài lòng với kết quả nhận được.
Hiểu về sự biến động giá (Volatility)
Trong thị trường chứng khoán, chắc chắn chúng ta không thể nào tránh khỏi sự biến động về giá. Biến động là tốc độ mà giá của một cổ phiếu tăng hoặc giảm trong một khoảng thời gian cụ thể. Do đó, sự biến động được coi là độ lệch chuẩn hàng năm của một cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Nó còn cho biết phạm vi mà giá của cổ phiếu đó có thể tăng hoặc giảm.
Nếu giá của một cổ phiếu dao động nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn. Điển hình như chạm các mức cao và thấp mới. Thì cổ phiếu đó được cho là có mức độ biến động cao (ví dụ như cổ phiếu của công ty Tesla -TSLA ).
Nếu giá cổ phiếu di chuyển cao và thấp hơn chậm hơn hoặc tương đối ổn định. Thì nó được cho là có độ biến động thấp (ví dụ như cổ phiếu của công ty Coca-cola – KO)
Trong ngắn hạn thì việc biến động giá sẽ dễ làm cho các nhà đầu tư phân vân và lo lắng. Và sẽ gặp rủi ro khi mua cao và bán thấp. Đặc biệt là đối với các cổ phiếu công ty riêng lẻ, các quỹ chứng khoán phát triển, hay quỹ đầu tư được quản lý chủ động. Phụ thuộc vào sự biến động giá mua và bán liên tục trong ngày. Hoặc dựa vào yếu tố kinh tế chính trị, và kết quả hoạt động của công ty theo quý.
Thay vào việc quan tâm và lo lắng về sự biến động của giá cả trên thị trường chứng khoán. Thì sự biến động có thể là cơ hội cho chúng ta. Vì đôi khi nó cung cấp các điểm mua vào mà các nhà đầu tư có thể tận dụng. Khi thị trường đi xuống, tạo điều kiện cho chúng ta mua thêm cổ phiếu của các công ty yêu thích với giá thấp hơn. Điều này giúp cải thiện hiệu suất danh mục đầu tư của bạn khi thị trường cuối cùng phục hồi. Đây cũng là một phần của “Chiến lược trung bình hóa chi phí đầu tư” tôi có bàn ở phần trên.
Các bạn có thể thấy được rằng mặc dù các tài khoản đầu tư của tôi đều đang giảm sút so với đầu năm. Nhưng việc đó không nói lên được điều gì cả. Vì tôi vẫn chưa bán ra bất cứ chứng khoán nào đi. Nên khoản lỗ là chưa được hiện thực hóa bằng tiền (Unrealized Loss). Theo như mục tiêu đầu tư dài hạn thì ít nhất các tài khoản này sẽ đi cùng tôi ít nhất là 5 năm. Bởi vì tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng
Invest for the long haul. Don’t get too greedy and don’t get too scared – Shelby M.C. Davis
Đầu tư cho đường dài. Đừng quá tham lam và đừng quá sợ hãi.
Trên thực tế, các nhà đầu tư thành công đều tập trung vào dài hạn, và có xu hướng ít quan tâm đến sự biến động. Các công ty chất lượng với nền tảng vững chắc thường cần thời gian để chứng minh. Chúng hoạt động tốt hơn khi điều kiện kinh tế chậm lại hoặc biến động thị trường gia tăng. Các nhà đầu tư có thể vượt qua cơn bão tốt hơn, vì các công ty này thường thậm chí còn mạnh hơn.
Mặc dù phải mất nhiều năm liền để điều này được phản ánh trên giá cổ phiếu. Điều quan trọng cần nhớ là khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Thì giá lên xuống là điều bình thường. Và sự biến động không phải là yếu tố quyết định việc bạn có nên bán khoản đầu tư của mình hay không. Mà nó sẽ phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và nghiên cứu chuyên sâu của bạn về loại chứng khoán đó.
Kiên nhẫn và Kỷ luật
Nói tới đây các bạn có cảm thấy việc đầu tư dài hạn là khó hay dễ? Tất cả điều trên đều phụ thuộc hầu hết vào việc bạn có đủ sự kiên nhẫn và kỷ luật cho bản thân. Đầu tư là một triển vọng dài hạn, những lợi ích thường đến sau nhiều năm. Do đó mà hai đức tính này sẽ giúp bạn tồn tại trước những khó khăn ngắn hạn. Chờ đợi để nhận được phần thưởng lớn hơn trong tương lai.
Mặc dù các nhà đầu tư và trader giỏi hiểu về tầm quan trọng của sự kiên nhẫn. Nhưng đó là một trong những kỹ năng khó học nhất đối với bất kì ai. Nó giống như việc bạn đi câu cá với sự chuẩn bị kĩ lưỡng về mồi, cần câu, địa điểm và thời tiết thuận lợi. Việc còn lại là ngồi chờ cá cắn câu mà thôi.
Trong thực tế, các nhà đầu tư thành công đều phát triển một số kỹ năng có giá trị trong suốt cuộc đời của họ.
Bởi vì không ai bẩm sinh là đã biết cách nghiên cứu cổ phiếu. Hay áp dụng tư duy phản biện vào cơ hội đầu tư. Mà đó là những kỹ năng đầu tư dành cho ai mong muốn học hỏi và nghiêm túc trong đầu tư chứng khoán.
Có một sự thật là luôn có nhiều cơ hội giao dịch trên thị trường, ngay cả trong thời kì giảm sút. Vì vậy khó khăn ở đây không phải là tìm kiếm các cơ hội giao dịch. Mà là đảm bảo các cơ hội đó phù hợp với quy tắc giao dịch của bạn. Có một điều không thể tránh khỏi là ai cũng sẽ mắc phải sai lầm. Nhưng thực hành sự kiên nhẫn và kỷ luật sẽ giúp các bạn kiểm soát cảm xúc trong ngắn hạn. Và phán đoán nhanh khi cơ hội đến.
NHUNG HUỲNH
You helped me a lot by posting this article and I love what I’m learning.