Sự căng thẳng đến từ đâu?
Có một điều mà trong thế giới hiện đại ngày nay mọi người đều phải đang đối mặt. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chúng ta có nhiều nỗi lo âu, quan tâm, bộn bề trong cuộc sống cá nhân và gia đình. Và điều này dẫn đến sự căng thẳng. Căng thẳng là một cảm giác căng thẳng về tình cảm hoặc thể chất. Nó có thể đến từ bất kỳ sự kiện hoặc suy nghĩ nào trong cuộc sống. Khiến bạn cảm thấy thất vọng, tức giận hay lo lắng.
Trong tự nhiên, căng thẳng tạo ra một báo động trong não hay phản ứng, bằng cách chuẩn bị cho cơ thể cơ chế phòng thủ. Hệ thống thần kinh được kích thích, và các hormone được giải phóng để làm nâng cao độ nhạy cảm của các giác quan. Các mạch máu chạy nhanh, hô hấp sâu và căng cơ hơn.
Phản ứng này đôi khi được gọi là phản ứng chiến đấu hoặc bay (the fight-or-flight). Rất quan trọng ở thời xa xưa, vì nó giúp chúng ta phòng thủ trước các tình huống đe dọa. Phản hồi được lập trình trước về mặt sinh học. Thế nên, mọi người đều phản ứng theo cách giống nhau. Bất kể tình huống căng thẳng là ở cơ quan hay ở nhà.
Trước một thách thức hoặc yêu cầu nào đó chúng ta sẽ trải qua sự căng thẳng. Đôi khi nó sẽ đến theo từng đợt nhỏ, mang tính tích cực nhiều hơn. Bởi vì nó thử thách chúng ta bằng những cách nhỏ. Mà chính bản thân ta có thể tìm cách vượt qua dễ dàng. Chẳng hạn như khi nó giúp bạn chạy cho kịp thời hạn của dự án trên công ty.
Tuy nhiên ngày nay, sự căng thẳng – stress đến như một cơn lốc dữ dội khiến chúng ta bị bất lực hay mất kiểm soát. Chúng ta thường gặp những đợt căng thẳng kéo dài hơn. Và điều này có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Vậy điều gì gây ra sự căng thẳng này?
Vào những năm trước khi Đại dịch Covid, thì theo nhiều cuộc khảo sát về mức độ căng thẳng và hạnh phúc. Đã cho thấy rằng lý do hàng đầu gây căng thẳng xuất phát từ những lo lắng về tài chính và gia đình, nhà ở, và công việc. Hoặc trải qua định kiến, bị phân biệt đối xử, sử dụng công nghệ quá mức, và những khía cạnh khác.
Bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm một người như chúng ta phải cố gắng để vượt qua. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, theo một cuộc thăm dò mới từ Hiệp hội Tâm lý Mỹ sau đại dịch. Phần lớn người Mỹ đang đối mặt với mức độ căng thẳng cao. Từ việc lo ngại tài chính, lạm phát, đại dịch COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Kể từ năm 2015 căng thẳng về tiền bạc được xếp hạng ở mức cao nhất được ghi nhận.
Căng thẳng về tài chính
Trong cuộc sống phát triển ngày nay, sự lo lắng về tiền bạc lại càng gia tăng hơn bao giờ hết. Đặc biệt phổ biến đối với những người trưởng thành trên toàn thế giới. Trên thực tế, theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), 72% người trưởng thành cho biết họ cảm thấy căng thẳng về tiền bạc. Cho dù đó chỉ là sự quan ngại về việc trả tiền thuê nhà hay cảm thấy sa lầy vào nợ nần.
Căng thẳng tài chính là sự căng thẳng về tình cảm có liên quan cụ thể đến tiền bạc. Bất cứ ai cũng có thể gặp căng thẳng về tài chính. Nhưng bắt gặp nhiều và thường xuyên hơn ở những hộ gia đình có thu nhập thấp.
Căng thẳng có thể là kết quả của việc không kiếm đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Như trả tiền thuê nhà, thanh toán hóa đơn và ăn uống. Công việc của họ có thể thiếu tính linh hoạt khi phải dành đủ thời gian để nghỉ ngơi.
Họ có thể làm việc trong môi trường không an toàn. Nhưng sợ phải rời đi vì không thể tự trang trải về mặt tài chính trong khi đang tìm kiếm một công việc khác.
Trong nhiều trường hợp, mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và tài chính có tính vòng lặp. Sức khỏe tài chính kém có thể dẫn đến sức khỏe tinh thần kém. Từ đó tiếp tục dẫn đến sức khỏe tài chính ngày càng kém hơn. Trong nhiều năm, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc nợ có tỷ lệ về trầm cảm và lo lắng cao hơn những người không có nợ.
Theo thời gian, thì hầu hết mọi người đều căng thẳng về tiền bạc dù có tiền hay không đi nữa. Căng thẳng tài chính có thể trở thành vấn đề đang bàn luận. Nếu nó làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn. Chẳng hạn như bạn có thể thấy mình không thể tập trung, hoặc tận hưởng những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Vì bạn đang trong trạng thái lo lắng về một việc vẫn chưa thể giải quyết được.
Stress acts as an accelerator: it will push you either forward or backward, but you choose which direction ―Chelsea Erieau
Căng thẳng hoạt động như một chất tăng tốc: nó sẽ đẩy bạn tiến hoặc lùi, tùy vào việc bạn sẽ chọn hướng nào.
Căng thẳng trong công việc
Một loại căng thẳng mà tôi biết là chính bản thân tôi và các bạn đang phải đối mặt hàng ngày. Đó chính là căng thẳng trong công việc. Theo bài nghiên cứu của CDC, thì căng thẳng công việc có thể được định nghĩa là những phản ứng có hại về thể chất và cảm xúc. Xảy ra khi các yêu cầu của công việc không phù hợp. Với khả năng, nguồn lực hoặc nhu cầu của người lao động.
Đôi khi chúng ta thường dễ bị nhầm lẫn sự căng thẳng với thử thách. Nhưng chúng lại hoàn toàn không giống nhau. Thử thách tiếp thêm sinh lực cho chúng ta về mặt tâm lý và thể chất. Đồng thời thúc đẩy chúng ta học các kỹ năng mới và làm chủ công việc của mình.
Khi gặp thử thách, chúng ta cảm thấy thư thái và hài lòng. Vì vậy, thách thức là một yếu tố quan trọng để làm việc lành mạnh và hiệu quả. Tầm quan trọng của thử thách trong cuộc sống công việc của chúng ta. Có lẽ là những gì mọi người thường hay nói “một chút căng thẳng cũng tốt cho bạn”
Nhưng nếu thách thức đã biến thành nhu cầu công việc không thể đáp ứng. Thư giãn chuyển sang kiệt sức và cảm giác hài lòng chuyển thành cảm giác căng thẳng. Với băng chuyền công việc không ngừng nghỉ, để đáp ứng nhu cầu con người ngày càng tăng. Chúng ta đối mặt với khối lượng công việc nhiều hơn, đòi hỏi cao hơn, thời hạn dự án gấp rút hơn, và nhiều thứ dồn dập. Để thỏa mãn những kỳ vọng từ cấp trên và khách hàng.
Chính tôi và những bạn đồng nghiệp ở nước phát triển bắt buộc phải làm việc như những chiếc máy tính biết nói. Thời gian làm việc kéo dài và không còn ai đủ thời gian để quan tâm đến cảm xúc hàng ngày của bản thân hay những người xung quanh nữa. Chúng tôi bắt đầu rơi vào căng thẳng càng lâu và khó lòng nhận ra để tự giải thoát bản thân. Chỉ đến khi cảm thấy burn out – quá mệt mỏi, thì mới lấy ngày nghỉ để thoát khỏi cuồng quay đó.
Nhưng có nhiều vị trí và công việc không cho phép nghỉ ngơi. Chúng ta tiếp tục “ráng”, “chịu đựng”, hoặc “cố gắng”. Thì tình trạng căng thẳng không được giải quyết, cơ thể được giữ ở trạng thái kích hoạt liên tục. Điều này làm tăng tốc độ hao mòn các hệ thống sinh học. Cuối cùng, kết quả là bị tổn thương về tinh thần, thể chất và bệnh tật leo thang. Thêm vào đó là sự ảnh hưởng tới giấc ngủ, đau bụng, đau đầu, và mối quan hệ với gia đình và bạn bè bị xáo trộn. Và tôi đã trải qua nhiều lần khi cố gắng làm tăng ca cho công ty.
Tự nhận biết sự căng thẳng
Các công trình nghiên cứu về vấn đề căng thẳng và sức khỏe thần kinh đã được công bố rộng rãi từ rất lâu. Nhà nghiên cứu cũng như đoàn thể nhân viên đã đứng ra kêu gọi để các tổ chức hay công ty thay đổi chính sách và nơi làm việc. Phù hợp hơn cho người lao động. Vì nhiều công ty tạo áp lực lên người lao động và bỏ qua những lo lắng về sức khỏe của họ. Để duy trì năng suất và lợi nhuận trong nền kinh tế ngày nay.
Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy điều kiện làm việc căng thẳng. Thực sự có liên quan đến việc gia tăng tình trạng vắng mặt, đi trễ và ý định bỏ việc của người lao động. Tất cả đều có tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Từ đó nhiều tổ chức được gọi là lành mạnh đang có các chính sách quan tâm đến lợi ích cho sức khỏe của người lao động. Vì điều này cũng mang lại lợi ích lợi nhuận cho chính công ty họ.
Stress should be a powerful driving force, not an obstacle – Bill Phillips
Căng thẳng nên là một động lực mạnh mẽ, không phải là một trở ngại.
Công ty của tôi, hằng năm có các cuộc khảo sát về sự hài lòng của nhân viên. Và trạng thái tinh thần của họ như thế nào. Gần 50% trong toàn bộ công ty là đang đối mặt với trạng thái căng thẳng và áp lực từ công việc. Sau nhiều lần họp mặt và bàn bạc thì cuối cùng chương trình tập Yoga và ăn uống khỏe cũng đi vào hoạt động.
Mặc dù, rất nhiều người đang trải qua stress và lên tiếng đấu tranh cho vấn đề trên. Nhưng một điều đáng tiếc là một tiếng đồng hồ tập Yoga vào trưa thứ 6 của công ty. Lại bị nhân viên lãng quên sau chỉ khoảng 2 tuần đi vào thực hiện. Tôi tham gia rất đều đặn khoảng 2 tháng trước khi về Việt Nam.
Từ hơn 500 người thì chỉ còn lại khoảng 10 người, một số tuần chỉ là 5 người. Có thể nói một phần do chính công việc của họ không cho phép. Hay là họ đã quá quen với cuồng quay công việc để không cho chính bản thân cơ hội thư giãn?
Trước đó, tôi đã từng rơi vào tình trạng căng thẳng do làm việc quá nhiều. Tôi bắt đầu cáu gắt với chồng nhiều hơn. Vì không có thời gian để nấu ăn, đành ăn tạm đồ ăn hâm lại. Nhà cửa không dọn dẹp, nhiều công việc cá nhân chưa đụng tới. Càng làm tôi lại càng muốn đi ra ngoài nhà hàng hay shopping để xài tiền. Có lần nói chuyện với cô bạn đồng nghiệp, chồng cô cũng không muốn cô làm ngày cuối tuần. Để dành thời gian cho gia đình. Vì cô và tôi khi làm tăng ca thì sẽ làm rất nhiều giờ mà bỏ bê gia đình.
Cân Bằng cuộc sống
Đọc tới đây, nếu bạn đang cảm thấy bản thân rơi vào những tình huống như trên. Thì việc theo dõi các yếu tố gây căng thẳng của bạn là rất cấp thiết. Bạn có thể viết lại hoặc ghi nhớ trong một hoặc hai tuần. Để xác định tình huống nào tạo ra căng thẳng nhất và cách bạn phản ứng với chúng. Ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc và thông tin của bối cảnh thực tế và cách bạn phản ứng. Bạn cau mày hay nổi nóng với một ai đó? Bỏ công việc xuống và đi dạo?
Thay vì cố gắng giảm bớt với căng thẳng bằng đồ ăn nhanh hoặc rượu bia, socola hay đồ ngọt. Chúng ta hãy chọn những điều lành mạnh hơn khi bạn cảm thấy căng thẳng gia tăng.
Tất nhiên, tập thể dục là một cách giảm căng thẳng tuyệt vời. Yoga, các kỹ thuật như thiền, tập thở sâu và chánh niệm. Đều có thể là một lựa chọn tốt và rất phổ biến.
Đối với tôi, thì cứ mỗi lần căng não là tôi sẽ đứng dậy chạy bộ. Hoặc đi dạo với chú cún của mình. Bất kỳ hình thức hoạt động thể chất nào cũng có lợi cả. Ngoài ra, hãy lên kế hoạch thời gian cho những sở thích cá nhân và hoạt động yêu thích. Vì nếu không thực hiện được nó, bạn sẽ tự cảm thấy tội lỗi với bản thân. Cho dù đó là đọc tiểu thuyết, đi xem hòa nhạc hay chơi trò chơi với gia đình. Đó là khoảng thời gian mà bạn hưởng được niềm vui và sự hài lòng về bản thân nhất.
Để thực hiện được những hoạt động trên, thì bạn sẽ phải thiết lập ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cho chính bạn. Điều đó có nghĩa là bạn phải tự lập quy tắc không kiểm tra email, tin nhắn, mạng xã hội hoặc không trả lời điện thoại trong bữa tối. Mặc dù mỗi người sẽ có những sở thích khác nhau về mức độ kết hợp giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Nhưng việc tạo ra ranh giới có thể làm giảm nguy cơ xung đột giữa công việc và cuộc sống. Và tránh những tác động tiêu cực của căng thẳng mãn tính và kiệt sức. Tất cả chúng ta đều cần thời gian để bổ sung và phục hồi mức hoạt động trước khi căng thẳng. Quá trình phục hồi này đòi hỏi bạn phải “tắt” công việc. Đó là những khoảng thời gian không tham gia vào các hoạt động liên quan đến công việc, cũng như không nghĩ về công việc đó.
Ngoài ra, cách để giảm thiểu sự căng thẳng về tài chính dễ dàng và hiệu quả nhất đó chính là sự chuẩn bị. Chuẩn bị về kiến thức, kĩ năng và thực hành quản lý tài chính cho bản thân. Ở Việt Nam, mọi thứ tưởng chừng như khá rẻ và dễ mua.
Nhưng để ý bạn sẽ tự thấy số tiền bị rỉ đi hàng ngày khá nhiều lần. Cộng lại chắc chắn sẽ là khoảng tiền không hề nhỏ. Nếu như bỏ qua những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt đó. Việc có được một số tiền lớn sẽ rất xa vời đối với một số người.
Những cách này thật sự đã giúp tôi đối phó lại những căng thẳng hằng ngày. Từ công việc, cuộc sống, tài chính hay các mối quan hệ rất hiệu quả. Sau một ngày dài làm việc, chúng ta cũng chỉ là một người bình thường. Cần ăn uống, ngủ nghĩ, thư giãn, và làm những việc mình thích.
Căng thẳng là một tín hiệu tốt để báo cho bạn biết rằng cơ thể cần được nạp điện và điều chỉnh. Và là lúc ngừng công việc để tận hưởng ít khí trời, nhìn áng mây bay và trò chuyện cùng ai đó. Đừng biến chính mình thành những cổ máy vô hồn. Là những tháng ngày chỉ biết đến công việc và tiền bạc mà thôi.
The truth is that stress doesn’t come from your boss, your kids, your spouse, traffic jams, health challenges, or other circumstances. It comes from your thoughts about your circumstances ―Andrew Bernstein
Sự thật là căng thẳng không đến từ sếp của bạn, con cái, vợ chồng của bạn, kẹt xe, thách thức về sức khỏe hoặc các hoàn cảnh khác. Nó xuất phát từ những suy nghĩ của chính bạn về hoàn cảnh hiện tại.